Đau Đầu Chóng Mặt: Nguyên Nhân, Hậu Quả Và Cách Khắc Phục
Đau đầu chóng mặt là tình trạng khá phổ biến hiện nay, nó cũng có thể là dấu hiệu đang báo hiệu một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây ra những triệu chứng này và thời điểm cần đi khám trong bài viết dưới đây.
8 nguyên nhân phổ biến gây đau đầu chóng mặt
Đau đầu là tình trạng phổ biến đối với hầu hết người trưởng thành với một số triệu chứng tiêu biểu như đau nhói, âm ỉ hoặc nóng rát ở vùng đầu và mặt. Trong khi đó, chóng mặt là tình trạng bệnh nhân có cảm giác mọi thứ xung quanh quay cuồng khiến khả năng mất thăng bằng giảm và vô cùng khó chịu.
Có vô số tình trạng đau đầu khác nhau nhưng đau đầu đi kèm với chóng mặt thường xuất phát từ vấn đề của não bộ. Chính vì vậy, bạn không nên chủ quan khi gặp phải triệu chứng này mà cần thăm khám kịp thời tránh chậm trễ có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Một số nguyên nhân, bệnh lý phổ biến có biểu hiện đau đầu chóng mặt mà bạn cần biết bao gồm:
- Chứng đau nửa đầu: Chứng đau nửa đầu là tình trạng đau một bên vùng đầu với nhiều cường độ từ nhẹ đến mạnh. Đi kèm đó bệnh nhân sẽ gặp phải một số triệu chứng về thị giác như nhìn thấy đốm đen, chớp sáng. Tình trạng này thường là mãn tính và bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nhiều cơn đau mỗi tháng. Ngoài ra, bạn cũng dễ cảm thấy nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, chóng mặt và buồn nôn mỗi khi cơn đau đầu xuất hiện.
- Chấn thương đầu: Sau khi bị chấn thương, ngã đập vào vùng đầu nếu cảm thấy đau đầu chóng mặt thì bạn cần đến bệnh viện để kiểm tra ngay lập tức. Đây có thể là biểu hiện của tình trạng tụ máu não và bệnh nhân cần được can thiệp bằng phẫu thuật càng sớm càng tốt để bảo vệ tính mạng. Ngoài đau đầu chóng mặt, nếu bệnh nhân gặp phải một số dấu hiệu khác cảnh báo tình trạng nguy hiểm như mất ý thức, ù tai, buồn nôn, co giật, hành vi bất thường,… thì cần được chăm sóc y tế ngay.
- Thiếu máu gây chóng mặt đau đầu: Thiếu máu là tình trạng phổ biến khi cơ thể không sản xuất đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy hiệu quả. Khi nội tạng, đặc biệt bộ não bị thiếu oxy, cơ thể bạn sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng uể oải và mệt mỏi, khó thở tức ngực, rối loạn nhịp tim, đau đầu chóng mặt,…
- Đau đầu chóng mặt do đột quỵ: Nếu đau đầu dữ dội, chóng mặt kèm theo một trong các biểu hiện sau: nói năng khó khăn, méo miệng, thị lực giảm, điếc đột ngột, yếu cơ, ngồi và đi lại không vững, liệt nửa người, mất ngủ, mệt mỏi hoặc nôn ói không kiểm soát thì khả năng bệnh nhân bị đột quỵ là rất cao.
- Vi khuẩn và virus: Nếu bạn bị đau đầu chóng mặt kèm tình trạng sốt cao thì có thể là dấu hiệu cơ thể đang suy kiệt do phải chống chọi với sự xâm nhập của virus hoặc vi khuẩn. Triệu chứng tiêu biểu của tình trạng này là sốt, đau đầu, uể oải, mệt mỏi, mất sức,…Đặc biệt nếu gặp phải các triệu chứng như cứng cổ, sợ ánh sáng, ngủ lịm, nôn mửa, mờ mắt, nhìn đôi… thì có khả năng cao là do viêm màng não gây ra. Ngoài ra chóng mặt, đau đầu, ù tai cũng là một biểu hiện phổ biến của bệnh viêm mê cung.
- Hạ đường huyết: Khi lượng đường trong máu của bạn giảm xuống dưới mức bình thường, cơ thể bạn không có đủ glucose và năng lượng để hoạt động, điều này có thể gây đau đầu. Hãy thử ăn hoặc uống thứ gì đó có đường và chờ 1 lúc, nếu các triệu chứng giảm nhanh thì có thể bạn đang bị hạ đường huyết.
- Tác dụng của thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc giảm đau, thuốc cao huyết áp, thuốc điều trị rối loạn cương dương, thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai,… có thể có tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu chóng mặt, bồn chồn, mệt mỏi,…
- Mất nước: Nhiều người không biết rằng mất nước do thời tiết nóng, tiêu chảy, sốt hay nôn mửa cũng có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, nhức đầu. Các biểu hiện khác của việc mất nước gồm khát nước, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi,… Lúc này bạn cần được bù nước và nghỉ ngơi cho đến lúc cơ thể ổn định trở lại.
Bị đau đầu kèm chóng mắt thường xuyên gây nên hậu quả gì?
Đau nhức đầu đi kèm chóng mắt thường xuyên có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Tình trạng này diễn ra với tần xuất liên tục sẽ gây khó chịu, mất khả năng tập trung, mệt mỏi, đồng thời các quyết định đưa ra trong cuộc sống dễ bị sai do bạn không đủ tỉnh táo, từ đó ảnh hưởng đến công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày.
Bên cạnh đó, triệu chứng này còn tăng nguy cơ té ngã, tai nạn gây chấn thương từ nhẹ cho đến nặng, thậm chí là từ vong. Điều này cực kỳ nguy hiểm cho phụ nữ có thai, người trung niên và cao tuổi,… Ngoài ra, sức khỏe tinh thần của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến trạng thái dễ cáu ghét, bực bội. Từ đó ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội xung quanh bạn.
Nếu không được xác định đúng nguyên nhân, để tình trạng đau đầu chóng mặt diễn ra liên tục, kéo dài và ngày càng dữ dội thì có thể các vấn đề sức khỏe bên trong sẽ diễn tiến phức tạp, thậm chí đe dọa tính mạng của bạn nếu không kịp thời can thiệp điều trị.
Một số cách xử lý thức thời khi bị đau đầu chóng mặt
Trong trường hợp bị đau đầu kèm chóng mặt, việc đầu tiên bạn cần làm là nghỉ ngơi, hãy tìm một nơi yên tĩnh có thể ngồi hoặc nằm, tránh đứng dậy hoặc di chuyển vì lúc này bạn sẽ rất dễ bị ngã.
Ngoài ra, bạn nên uống thêm nhiều nước, chườm đầu nóng hoặc lạnh, sử dụng một số liệu pháp như xoa bóp, bấm huyệt,… kết hợp thư giãn để giảm nhanh triệu chứng chóng mặt và nhức đầu.
Hiện nay có nhiều phương pháp trị đau đầu theo mẹo dân gian, Đông y và Tây y, song để giải quyết dứt điểm tình trạng đau đầu, chóng mặt sẽ cần tìm ra nguyên nhân để có phương pháp điều trị chính xác với từng bệnh.
Bạn cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau loại không kê đơn để giảm bớt khó chịu khi cần, tuy nhiên cần hiểu rằng đây không phải giải pháp lâu dài và cần tránh lạm dụng việc sử dụng thuốc đau đầu.
Bệnh nhân khi nào cần đi bệnh viện? Chẩn đoán ra sao?
Nếu bạn bị đau đầu chóng mặt thì có nên khám bác sĩ không thì câu trả lời chắc chắn là có, đặc biệt nếu tình trạng này kéo dài và lặp đi lặp lại thì bạn cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và điều trị đúng cách. Đặc biệt, những trường hợp dưới đây cần nên đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được chăm sóc điều trị, tránh những biến chứng gây nguy hiểm:
- Đau đầu dữ dội, kéo dài và không đáp ứng các phương pháp giảm đau tại nhà.
- Đau đầu sau khi bị chấn thương vùng đầu.
- Nôn mửa không kiểm soát.
- Hôn mê, lú lẫn, mất nhận thức,…
- Sốt cao hoặc co giật.
- Liệt, yếu cơ.
- Tay chân bủn rủn.
- Méo tầm nhìn, nhìn đôi.
- Bệnh nhân trên 60 tuổi.
Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, chụp MRI hoặc chụp cắt lớp não để xác định chính xác nguyên nhân gây đau. Từ nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ lên phương án điều trị phù hợp với từng ca bệnh.
Đau đầu chóng mặt nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đừng ngần ngại đến gặp bác sĩ để xin lời khuyên và giải pháp hiệu quả cho tình trạng này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!